Từ ngã ba Dầu Giây, Hà Đình Nguyên đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ

1131
Từ ngã ba Dầu Giây, Hà Đình Nguyên đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ
Từ ngã ba Dầu Giây, Hà Đình Nguyên đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ

Cuối năm 2017 Nhà xuất bản Trẻ ấn hành cùng lúc 3 cuốn sách 50 chuyện kỳ thú phương Nam, 60 bóng hồng trong thơ nhạc, 35 chuyện tình nghệ sĩ của nhà báo Hà Đình Nguyên. 3 cuốn sách này ra mắt nhân dịp Hà Đình Nguyên tròn 60 tuổi và được xem như tạm tổng kết hơn 20 năm làm báo chuyên nghiệp của ông.

Hà Đình Nguyên sinh năm 1957, ông lớn lên trong một ngôi làng nhỏ gần ngã ba Dầu Giây, tỉnh Long Khánh cũ, nay là huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

* Nghèo vật chất, giàu tinh thần…

Thế hệ Hà Đình Nguyên lớn lên vừa kịp kết thúc chiến tranh không phải sống với tiếng bom rơi đạn nổ nhưng lại đối diện với một thực tế khắc nghiệt khác vì tình trạng khó khăn chung. Hà Đình Nguyên cũng như nhiều người cùng lứa tuổi phải bỏ học nửa chừng để làm công việc khác mà xã hội lúc đó đang cần. Năm 1977 Hà Đình Nguyên tình nguyện tham gia lực lượng thanh niên xung phong thuộc Tổng đội Đồng Nai đóng quân ở Nông trường Sông Trầu. Nhớ về những năm mặc áo thanh niên xung phong, Hà Đình Nguyên rưng rưng: “Mới 20 tuổi, vừa biết yêu mà lại đành xa nhau, lứa chúng tôi toàn tuổi thanh niên sống giữa rừng như những nhà “khổ tu”, giờ nghĩ lại thương lắm!”.

Hà Đình Nguyên nói: “Từ ngã ba Dầu Giây tôi đã đi tìm các chuyện tình nghệ sĩ, các bóng hồng trong các bài thơ, bài hát nổi tiếng xưa nay là một hành trình rất dài hơn 20 năm, mà càng đi tìm tôi lại càng thích thú vì tính thi vị và nhân văn trong các câu chuyện”.

Sau 3 năm sống giữa rừng lao động chân tay với phương tiện cuốc xẻng, những bữa ăn chủ yếu là khoai mì cõng thêm vài hạt gạo, nhờ có chút học vấn trước kia mà Hà Đình Nguyên về làm nhà giáo làng. Những năm 1980 vẫn thời “gạo châu củi quế”, cái bao tử ỏng eo không lúc nào no khiến cái đầu của cả thầy và trò không còn mơ mộng được. “Thầy cũng đói mà trò cũng đói, nên thầy trò thương nhau đến thắt lòng. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, học trò chỉ đến vòng tay “Em chúc mừng thầy!”, không quà, không hoa mà sao lòng ấm áp lạ, giờ nghĩ lại rơi nước mắt” – Hà Đình Nguyên nhớ lại 10 năm dạy học ở Trường Lê Lợi, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất. Nhưng nhờ những tháng năm làm thầy giáo đã tạo nên tính cách chỉnh chu của một nhà báo Hà Đình Nguyên sau này.

Năm 1995, Hà Đình Nguyên chính thức làm báo chuyên nghiệp khi về Báo Thanh Niên. Giống như thời thanh niên xung phong tạm biệt mẹ già, lần này Hà Đình Nguyên tạm biệt vừa mẹ già lại còn có thêm vợ và các con thơ để lên TP.Hồ Chí Minh sống một cuộc đời khác. Như bao người nhập cư vào TP.Hồ Chí Minh mưu sinh, Hà Đình Nguyên mướn phòng trọ gần tòa soạn để ở. Điều lạ lùng là sau hơn 20 năm làm báo, đến nay Hà Đình Nguyên vẫn ở nhà trọ. Lạ lùng, bởi rất nhiều đồng nghiệp trẻ hơn chỉ sau vài năm làm nghề là có thể dành dụm mua được cái nhà trả góp be bé để dung thân. Tìm hiểu mới biết, Hà Đình Nguyên viết báo để lo cho cả đại gia đình ở quê. Nên dù anh viết rất khỏe, vẫn hàng ngày chạy cái xe gắn máy cà tàng, mỗi cuối tuần cũng cái xe cà tàng ấy chạy về Dầu Giây thăm gia đình, không thay đổi gì.

Về vật chất, bạc tiền, Hà Đình Nguyên là một nhà báo nghèo có cuộc sống thanh bần như ngày nào anh làm thầy giáo làng hay đi thanh niên xung phong ở giữa rừng già. Nhưng về đời sống tinh thần, có thể nói Hà Đình Nguyên khá giàu khi anh tích lũy được từ thuở nhỏ cho đến tận bây giờ một vốn liếng kiến thức mà không thể trong một sớm một chiều có được như kiểu đại gia mới nổi kiếm tiền tỷ hiện nay. Hà Đình Nguyên kể: “Thời còn bé, tôi học bậc tiểu học ở một làng quê hẻo lánh, nằm biệt lập với những thôn làng khác ở Đồng Nai. Không hiểu sao, ngay từ thời thơ ấu tôi đã thích “lục lọi” quá khứ, tác động nhiều nhất có lẽ là ở môn Lịch sử. Rồi những bài học thuộc lòng (văn vần) đã gieo vào lòng tôi sự yêu thích thơ ca. Bước chân vào bậc trung học, tiết học tôi yêu thích và nôn nao chờ đợi mỗi tuần là môn Việt văn (gồm cổ văn và kim văn)”.

* “Giải mã” những chuyện tình cho người hâm mộ

Song song với việc học văn hóa, những bài thơ, bài hát đương thời cũng đã để lại trong lòng Hà Đình Nguyên những dấu ấn khó phai. Hà Đình Nguyên nhớ lại: “Tôi nhớ mẹ tôi lúc ấy cũng chỉ mới ngoài 30  tuổi, khi làm những việc lặt vặt bà thường nhớ lại và hát lõm bõm những ca khúc từng nghe, từng hát: Lời người ra đi (Trần Hoàn), Trầu cau (Phan Huỳnh Điểu), Thiên thai (Văn Cao)… Trong những người thầy của tôi, có thầy Nguyễn Văn Hòa (quê Tây Ninh) là ấn tượng nhất. Thầy đích thực là một nghệ sĩ: đàn hay, thổi sáo giỏi, biết làm thơ và… ghiền truyện kiếm hiệp. Tôi học được ở thầy những tất cả món này nhưng trình độ thì… đương nhiên lúc nào cũng chỉ ở mức “đệ tử” của thầy. Thế cho nên, có thể nói tâm hồn tôi lúc nào cũng mang tâm trạng hoài cổ”.

Các tác phẩm của Hà Đình Nguyên được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành nhân dịp tác giả tròn 60 tuổi.
Các tác phẩm của Hà Đình Nguyên được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành nhân dịp tác giả tròn 60 tuổi.

Từ những bài học và ký ức ở ngã ba Dầu Giây, sau này đi làm báo chuyên nghiệp, Hà Đình Nguyên đã giúp người yêu mến những bài thơ, bài nhạc lý giải vì sao các nghệ sĩ có thể sáng tạo nên những tuyệt phẩm. Chẳng hạn như ca khúc Thà như giọt mưa (thơ Nguyễn Tất Nhiên, nhạc Phạm Duy), bài hát có đoạn: “Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá/ Thà như giọt mưa khô trên mặt Duyên…/ Để ta nghe thoáng tiếng mưa vội đến, những giọt run run, ướt ngọn lông măng, khiến người trăm năm, đau khổ ăn năn. Khiến người tên Duyên, đau khổ muôn niên…”. Người đẹp tên Duyên trong bài hát này là ai?

Hà Đình Nguyên đã truy tìm “nguyên mẫu” trong hàng chục năm ròng từ nhiều nguồn tin, bằng các mối quan hệ và bằng cả cơ duyên để biết được nàng tên Duyên là ai mà khiến nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên (cũng ở Biên Hòa) tình si đến vậy? Trong một lần Hà Đình Nguyên tình cờ tâm sự với nhà thơ Lê Minh Quốc rằng mấy chục năm nay đã cố tìm người đẹp tên Duyên là ai nhưng “bó tay”. Lê Minh Quốc lục trong trí nhớ và “bắt cầu” giới thiệu Hà Đình Nguyên tìm gặp nhà báo Lưu Đình Triều, bạn học với nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên. Gặp Lưu Đình Triều, Hà Đình Nguyên đã dò tìm “trúng đài”, vì Lưu Đình Triều học cùng Trường trung học Ngô Quyền ở Biên Hòa với người đẹp tên Duyên và cả nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên.

Từ nhà báo Lưu Đình Triều, Hà Đình Nguyên biết được nhà thơ tên thật là Nguyễn Hoàng Hải, sinh năm 1952, sau mới lấy bút danh Nguyễn Tất Nhiên. Còn cô Duyên, tên đầy đủ là Bùi Thị Duyên – dân miền Bắc di cư vào Biên Hòa. Tình yêu này của Hải dành cho Duyên cả trường trung học ai cũng biết, vì thơ được in báo và phổ nhạc hát vang. Nhưng ít người biết, bài thơ Khúc tình buồn của Nguyễn Tất Nhiên, sau được Phạm Duy phổ thành Thà như giọt mưa, không có tên Duyên nào cả. Tên Duyên xuất hiện trong Thà như giọt mưa là do “bố già làng nhạc” Phạm Duy đọc được trong các bài thơ khác của Nguyễn Tất Nhiên rồi ông đưa vào. Riêng việc đưa tên cô Duyên vào Thà như giọt mưa có thể xem Phạm Duy như một tri âm của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên.

Vậy tên cô Duyên xuất hiện ở đâu trong các bài thơ của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên? Với những ai yêu thơ Nguyễn Tất Nhiên, hẳn sẽ thuộc vài câu trong bài Duyên của tình ta con gái Bắc: “Em nhớ giữ tính tình con gái Bắc/ Nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền/ Nhớ dịu dàng nhưng thâm ý khoe khoang/ Nhớ duyên dáng, ngây thơ mà xảo quyệt…/ Nếu vì em mà ta phải điên tình/ Cơn giận dữ đã tận cùng mê muội/ Thì đừng sợ, Duyên ơi, thiên tài yếu đuối…”. Bài thơ này cũng được Phạm Duy phổ thành Cô Bắc kỳ nho nhỏ, và Duyên còn là nguyên mẫu trong các bài thơ được phổ nhạc: Em hiền như ma soeur, Hai năm tình lận đận…

Không chỉ truy tìm nguyên mẫu và chuyện tình trong các bài thơ của Nguyễn Tất Nhiên, nhiều bài thơ và bài hát nổi tiếng của những nghệ sĩ khác cũng được Hà Đình Nguyên “giải mã” giúp người hâm mộ. Tuy nhiên, viết về chuyện tình của các nghệ sĩ thường liên quan đến đời tư và dễ xâm phạm đời tư người khác. Hà Đình Nguyên đã biết dừng lại đúng lúc cần dừng, để các bài viết của anh vừa đủ thỏa mãn sự tò mò của người đọc đồng thời đề cao tính giáo dục trong các câu chuyện tình thật đẹp của các nghệ sĩ.

Theo Báo Đồng Nai

Chia sẻ